Công nghệ ADAS trên ô tô là gì? Việc lái xe tin tưởng vào công nghệ ADAS và coi như “lá bùa hộ mệnh” liệu có thật sự hiểu đúng về công nghệ này hay chưa? Mời bạn đọc cùng xem chi tiết dưới đây!
1/ Công nghệ ADAS trên xe ô tô là gì?
ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) là một tập hợp các hệ thống tiên tiến được tích hợp vào xe ô tô nhằm tăng cường an toàn và cải thiện trải nghiệm lái xe. Trước đây, ADAS chỉ có trên những mẫu xe đắt tiền, sau đó dần lan sang xe hạng trung, và giờ đây, trang bị an toàn này đã có mặt trên nhiều mẫu xe giá rẻ.
Đơn cử ở thị trường Việt Nam hiện nay, một số mẫu MPV giá trên dưới 700 triệu đồng cũng đã được trang bị công nghệ ADAS, như Veloz Cross với gói Toyota Safety Sense, Stargazer với gói Hyundai SmartSense, hay BR-V với gói Honda Sensing…
2/ Công nghệ ADAS hoạt động như thế nào?
Công nghệ ADAS sử dụng hệ thống camera, cảm biến (radar và lidar), cùng với phần mềm, để nhận biết, đo khoảng cách và phát hiện nguy cơ va chạm xung quanh xe, từ đó đưa ra các cảnh báo hoặc can thiệp tự động nếu thấy cần thiết. Khi phát hiện thấy mối nguy, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo cho tài xế, như cảnh báo bằng âm thanh hoặc hình ảnh. Nếu tài xế không có phản hồi gì, hệ thống sẽ tự động can thiệp bằng cách kích hoạt phanh hoặc một số thao tác khác để ngăn hoặc giảm va chạm.
Một số tính năng phổ biến của ADAS bao gồm:
- Cảnh báo va chạm trước (Forward Collision Warning – FCW): Hệ thống cảnh báo người lái khi có nguy cơ va chạm với xe phía trước.
- Phanh khẩn cấp tự động (Automatic Emergency Braking – AEB): Hệ thống tự động phanh xe để tránh hoặc giảm nhẹ va chạm khi phát hiện nguy cơ.
- Cảnh báo chệch làn (Lane Departure Warning – LDW): Hệ thống cảnh báo người lái khi xe có dấu hiệu chệch khỏi làn đường mà không có tín hiệu xi-nhan.
- Hỗ trợ giữ làn (Lane Keeping Assist – LKA): Hệ thống can thiệp nhẹ để giúp xe duy trì trong làn đường.
- Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control – ACC): Hệ thống tự động điều chỉnh tốc độ của xe để duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước.
- Giám sát điểm mù (Blind Spot Monitoring – BSM): Hệ thống cảnh báo người lái khi có phương tiện trong điểm mù của xe.
- Cảnh báo giao thông phía sau (Rear Cross Traffic Alert – RCTA): Hệ thống cảnh báo khi có xe hoặc người đi bộ tiếp cận từ phía sau khi lùi xe.
- Hệ thống đèn pha tự động (Automatic High Beam): Hệ thống tự động chuyển đổi giữa đèn pha và đèn cốt để tối ưu hóa tầm nhìn và giảm chói mắt cho xe đối diện.
- Công nghệ ADAS giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, cải thiện an toàn cho cả người lái và người tham gia giao thông khác.
3/ Những lợi ích khi lái xe ô tô có công nghệ ADAS
Lợi ích cơ bản nhất của công nghệ ADAS là tăng sự an toàn. Bằng việc đưa ra những cảnh báo và chủ động can thiệp, xử lý tình huống nguy hiểm, các hệ thống này có thể giúp ngăn ngừa tai nạn và giảm mức độ va chạm. Các nghiên cứu đã cho thấy công nghệ ADAS có thể giúp giảm nguy cơ tai nạn và chấn thương, mang lại những hành trình an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Một lợi ích nữa của ADAS là giúp việc lái xe nhàn hơn rất nhiều. Các tính năng như kiểm soát hành trình thích ứng (ga tự động) và cảnh báo chệch làn đường có thể giúp tài xế thoải mái hơn, đỡ căng thẳng, đặc biệt là khi lái xe đường dài và khi đường đông.
Đỗ xe có thể là nhiệm vụ đầy thách thức với nhiều tài xế, nhất là ở những chỗ hẹp. Với công nghệ ADAS, giờ đây ô tô có thể hướng dẫn tài xế căn chỉnh xe để vào chỗ đỗ an toàn, thậm chí đỗ xe thay tài xế.
Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng công nghệ ADAS còn có thể mang lại lợi ích kinh tế. Bằng việc ngăn ngừa tai nạn hoặc giảm mức độ thiệt hại của va chạm, rõ ràng ADAS giúp chủ xe tiết kiệm tiền. Thêm vào đó, các tính năng như ga tự động có thể giúp tối ưu hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu của xe, từ đó tiết kiệm tiền đổ xăng hoặc sạc pin cho xe.
4/ Mặt hạn chế và mối nguy khi các lái xe coi ADAS là “bùa hộ mệnh”
Một trong những hạn chế của các hệ thống an toàn chủ động này là hoạt động dựa trên cảm biến và camera, những thiết bị có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, bụi bẩn hoặc các yếu tố khác. Nếu cảm biến hoạt động không chính xác thì hệ thống không thể phát hiện các mối nguy một cách chính xác.
Bên cạnh đó, từng hệ thống an toàn chủ động lại có những hạn chế riêng. Ví dụ, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) chỉ hoạt động ở một dải tốc độ nhất định (tùy hãng) và không thể phát hiện vật thể đứng im (gốc cây hoặc xe dừng đỗ phía trước). Các thông tin này đều được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng xe.
Tương tự, tính năng phanh khẩn cấp tự động có thể bị vô hiệu hóa nếu tài xế rà nhẹ chân phanh, bởi hệ thống sẽ ghi nhận rằng tài xế đang hoàn toàn kiểm soát xe, hoặc ngược lại, nếu camera nhầm lẫn một hình ảnh poster khổ lớn với vật thể thật thì cũng có thể kích hoạt phanh khẩn cấp một cách không cần thiết, dẫn tới nguy cơ xe bị đâm từ phía sau.
Một mối nguy khác đến từ ADAS là tâm lý phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Các tài xế có thể chủ quan tin rằng các hệ thống an toàn chủ động sẽ xử lý được hết các tình huống nguy hiểm, chặn được hết các nguy cơ va chạm, dẫn tới việc xao nhãng sau tay lái, phó mặc sự an toàn cho công nghệ lo. Việc này rất nguy hiểm, vì tài xế có thể không kịp kiểm soát xe trong tình huống khẩn cấp.
5/ Lái xe nên hiểu và sử dụng công nghệ ADAS như thế nào cho đúng?
Để đảm bảo các công nghệ ADAS hoạt động chuẩn, cần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ví dụ như thường xuyên kiểm tra và chỉnh cảm biến và camera để đảm bảo chúng hoạt động chuẩn.
Nếu cảm biến hoặc camera bị hỏng hoặc hoạt động không chuẩn, cần sửa chữa hoặc thay thế càng sớm càng tốt; nếu không, hệ thống có thể hoạt động không chính xác, dẫn tới nguy cơ tai nạn hoặc chấn thương.
Việc sử dụng công nghệ ADAS không phải là vấn đề, vì nó có thể giúp việc lái xe nhàn hơn, khắc phục sai sót của con người. Mối nguy hiểm thực sự đến từ việc tài xế không nhận thức được những giới hạn của công nghệ này và quá tin tưởng vào chúng.
Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm nhằm kiểm chứng mức độ hiệu quả của các hệ thống hỗ trợ an toàn chủ động trên ô tô và thu được kết quả khả quan, nhưng vẫn khuyến cáo các tài xế không nên hoàn toàn dựa vào công nghệ, mà thay vào đó, chỉ nên sử dụng chúng để hỗ trợ khi lái xe.
Không một công nghệ nào có thể hoàn toàn thay thế trách nhiệm của lái xe, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Giống như các thiết bị thông minh khác, công nghệ ADAS cũng có thể có lỗi.
Nguồn: Dân Trí
Toàn bộ thông tin về công nghệ ADAS đã được Car Group giới thiệu cho bạn đọc. Các bạn là chủ xe, lái xe, nhân viên sale xe ô tô, hay đơn giản là những người đam mê ô tô đều có thể tham khảo thêm các thông tin hữu ích. Hãy để Car Group tạo nên cộng đồng hạnh phúc cùng với xe ô tô.
Các bạn đang tìm hiểu nghề sale ô tô chuyên nghiệp, bài bản, hãy tham khảo ngay khóa học: Sale ô tô chuyên nghiệp hoặc đăng ký ngay bên dưới. Xin cảm ơn!